Khi nào thì phải bắt buộc nhổ răng?

Cập nhật: 04/09/2022

Nhổ răng vĩnh viễn là một quyết định không hề đơn giản, hầu hết các bác sĩ luôn ưu tiên giữ lại răng thật cho bệnh nhân. Nhưng sẽ có nhiều trường hợp bác sĩ bắt buộc phải nhổ răng, để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. CÁC TRƯỜNG HỢP BẮT BUỘC PHẢI NHỔ RĂNG ?

1.1 Khi nào nên nhổ răng vĩnh viễn

Việc phải nhổ răng khôn hoặc nhổ những răng nhai bị sâu thì ai cũng phải trải qua ít nhất một lần trong đời. Nếu như không nhổ đi, chúng sẽ gây cho chúng ta nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Chức năng nhai của răng sẽ suy giảm vì những cơn đau nhức. 
Không chỉ vậy, nhiều trường hợp răng bị viêm nha chu nặng, tình trạng nhiễm trùng ngày càng lan rộng, nếu không nhổ răng kịp thời thì những răng còn lại trên cung hàm cũng có thể bị ảnh hưởng, hậu quả nặng nhất là gây mất răng toàn hàm.

Vì vậy, với những trường hợp dưới đây, bác sĩ thường chỉ định nhổ răng ngay:

1.2 Răng bị sâu

Khách hàng có tình trạng sâu răng nghiêm trọng, răng ngày càng bị hư tổn nặng nề và kéo theo những cơn đau dai dẳng thì những răng sâu cần phải được nhổ bỏ, để tránh lây vi khuẩn gây sâu răng sẽ lây lan sang những răng liền kề. 

1.3 Răng viêm tuỷ

Răng viêm tủy nếu không điều trị sớm thì nhiễm trùng có thể lan rộng, từ đó hình thành những ổ viêm ở chân răng được gọi là viêm cuống răng. Điều này khiến cho chân răng tổn thương nặng và ngày càng yếu đi, thậm chí là hoại tử tủy ở giai đoạn cuối mà không thể điều trị. Lúc này, bác sĩ bắt buộc phải nhổ răng đi.

1.4 Viêm nha chu

Khách hàng bị bệnh nha chu ở cấp độ nghiêm trọng, với tình trạng tiêu xương nhiều, nướu bị tụt thấp hoặc chân răng không còn bám vững khiến răng lung lay, dễ rụng. Với tình trạng này, nhổ răng là điều không thể tránh khỏi

1.5 Răng khôn mọc ngầm, mọc lệch

Đối với những răng mọc lệch, mọc ngầm… vừa không có chức năng ăn nhai vừa gây ra nhiều đau đớn, khó chịu, thì nên sớm nhổ răng ngay, để không ảnh hưởng đến những răng khác trên cung hàm.

1.6 Nhổ răng khi thực hiện niềng răng chỉnh nha 

Các bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bớt răng khi niềng răng với trường hợp sau: Răng móm, hô, mọc lộn xộn, chen chúc do hàm nhỏ không đủ chỗ và cần tạo khoảng trống để răng di chuyển về lại vị trí thẩm mỹ. 
Lưu ý: Sau khi nhổ răng, bệnh nhân nên sớm lựa chọn phương án thích hợp để phục hình lại răng đã mất. Tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và tính thẩm mỹ của khuôn mặt.

2. NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI BIẾT SAU KHI NHỔ RĂNG

Sau khi nhổ răng, bạn sẽ đối mặt với một số hiện tượng: đau nhức, chảy máu, sưng mặt... Tình trạng này thường kéo dài khoảng 2 đến 4 ngày và đây là những dấu hiệu hoàn toàn bình thường. 
Để giảm bớt những khó chịu sau khi nhổ răng, bạn có chườm lạnh bên ngoài miệng ngay vùng nhổ răng để giảm sưng trong các trường hợp nhổ răng khôn, răng khó, răng mọc lệch phải tiểu phẫu.
Dưới đây là những tips “bỏ túi” cho những ai vừa trải qua tiểu phẫu nhổ răng:

  • Để hạn chế máu không đông, bạn cần cắn chặt bông gòn để cầm máu trong khoảng 1 – 1,5 giờ sau khi nhổ xong. Hãy nhớ thay bông gòn liên tục cho đến khi máu ngừng hẳn.
  • Thông thường, sau khi tiểu phẫu nhổ răng khôn, bác sĩ nha khoa sẽ cho bệnh nhân uống 1 viên thuốc giảm đau trước hoặc sau khi nhổ răng, việc này có tác dụng giảm cảm giác đau của người bị nhổ răng ngay sau khi hết tác dụng của thuốc tê.
  • Chườm túi lạnh bên ngoài má, xung quanh vị trí nhổ để làm dịu vết thương và giảm sưng. Những ngày tiếp theo nên chườm ấm để làm tan máu tụ và giảm sưng. 
  • Không nên sờ tay, hay dùng vật nhọn hoặc bàn chải đánh răng đụng chạm vào vị trí mới nhổ răng.
  • Không nên dùng nước muối hoặc nước súc miệng ngay sau khi nhổ răng, vì có thể làm chậm quá trình đông máu. 
  • Không nên khạc nhổ mạnh hoặc tránh tạo áp lực trong miệng, việc này sẽ dễ làm bong nút cầm máu khiến vết thương chưa kịp lành đã tiếp tục chảy máu.